Xem cùng lúc 3 triển lãm của Photo Hanoi’23 tại VCCA

Triển lãm ‘Robert Doisneau’, ‘Tái sinh’ và ‘Nơi chốn thuộc về’ là các sự kiện nằm trong khuôn khổ Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng, được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).

Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon (thứ tư từ trái sang) phát biểu tại khai mạc: Ảnh PhotoHanoi23

Sinh năm 1912, Robert Doisneau là một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất của nhiếp ảnh hiện đại. Xuyên suốt hành trình sự nghiệp, ông đã chụp rất nhiều chủ đề khác nhau, luôn đặt sự thủ cựu đối lập với sự bất tuân trong những khung hình đậm chất hài hước, phản ánh rõ quan điểm chống lại các giá trị bảo thủ, và đề cao chủ nghĩa nhân văn.

Được biết, Robert Doisneau dành phần lớn thời gian của cuộc sống xoay vần với thực hành nhiếp ảnh. Trong suốt nhiều năm liền, nhiếp ảnh xâm lấn không gian sinh hoạt của gia đình ông. Phòng tắm biến thành buồng tối, ngột ngạt bởi hơi nóng phả ra liên tục từ chiếc máy sấy bản in. Một ngày bình thường diễn ra với mùi hyposulfite và hydroquinone tràn ngập khắp nơi, với các cuộc điện thoại ngắt quãng từ agency Rapho, xen lẫn âm thanh của màn trập Rolleiflex. Ở nơi đó, nhiếp ảnh ngự trị tối cao.

Không gian ba triển lãm được tổ chức ở VCCA. Ảnh: PhotoHanoi23

Ngày nay thật khó để hình dung một thế giới không có sự hiện diện của nhiếp ảnh. Nhưng, ở chính thế giới đó, nơi mà người ta cho là không còn gì để chiêm ngưỡng, Robert Doisneau đã bắt đầu sự nghiệp của mình, lưu giữ vô vàn khoảnh khắc từ các “mệnh đề ngẫu nhiên”. Sau nhiều năm làm việc không ngừng nghỉ, với sự khắt khe tới cực đoan, ông đã để lại một bộ sưu tập gồm 450.000 bức ảnh, ghi lại cuộc sống đa dạng trên đường phố Paris.

Với triển lãm lần này, ông đã trưng bày 30 tác phẩm, không chỉ để nhìn lại sự nghiệp tiêu biểu của mình, mà còn khắc họa chân dung ông ở tất cả những thời khắc quan trọng trong cuộc đời, phản ánh thời đại đã qua và thực tiễn của một ngành nghề đã và đang thay đổi từng ngày.

Tác phẩm trưng bày tại 3 triển lãm. Ảnh PhotoHanoi23

Trong khi đó, đến với triển lãm Tái sinh, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng về sự phát triển nhanh chóng của internet và mạng xã hội, ngày càng nhiều hình ảnh đã được sản xuất, tái sản xuất và phân phối rộng rãi trong một thập kỷ qua.

Cùng với trí thông minh nhân tạo AI, thêm nhiều ý tưởng và hình ảnh đã được kiến tạo hàng ngày mà không cần có mối quan hệ riêng tư hay thân mật. Như Guy Debord đã nói: “Diễn cảnh là một quan hệ xã hội giữa những con người, qua sự trung gian của sự tích tụ của những hình ảnh khiến chúng ta xa lánh khỏi một cuộc sống thực sự. Do đó hình ảnh là một biến thể mang tính lịch sử của một hình thức sùng bái hàng hoá.”

Đâu là giải pháp thay thế cho việc kiếm tìm một sự mô tả một đời sống với những trải nghiệm chân thực? Nhu cầu ghi chép, lưu giữ trải nghiệm và kể lại những câu chuyện luôn là niềm khát khao từ rất lâu của nhân loại khiến chúng ta khác với những sinh vật khác.

Các nghệ sĩ đã tìm những chiến lược gì để miễn nhiễm khỏi kho hình ảnh choáng ngợp đang chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mà vẫn có thể kể câu chuyện của chính mình một các chân thực nhất?

Các tác phẩm trưng bày tại 3 triển lãm. Ảnh PhotoHanoi23

Để giải thích cho những thắc mắc đó, Tái sinh đã mời những nghệ sĩ sử dụng nhiếp ảnh như điểm khởi đầu để khám phá thêm nhiều phương thức đa dạng để thấu hiểu chính mình, thấu hiểu thế giới, khám phá những dạng thức vô thức của tư duy, và tưởng tưởng về một hình ảnh.

Sử dụng nhiều nguồn cảm hứng khác nhau như ảnh lưu trữ gia đình, tư liệu, trình diễn và sắp đặt, các nghệ sĩ đã dần hé mở không chỉ những câu chuyện riêng tư của chính họ mà cũng đặt chúng ta vào vị trí tự vấn sự tiêu thụ hình ảnh của chính mình.

Các tác phẩm trưng bày tại 3 triển lãm: Ảnh: PhotoHanoi23

Cuối cùng, với Nơi chốn thuộc về của họa sĩ Hải Thanh (sinh năm 1972),  sẽ cho người xem cơ hội để chiêm nghiệm về “nơi chốn” mà chúng ta yêu thương, đó có thể là một phong cảnh thân thuộc, một khoảnh khắc hoài niệm hay một hồi ức quen thuộc. Từng tấm ảnh như lời mời để người xem cùng soi chiếu lại tâm khảm. Dự án là một lời tri ân đẹp đẽ  tới mối quan hệ gia đình, với tất cả niềm vui, sự phức tạp và những khó khăn mà nó mang theo.

Theo họa sĩ Hải Thanh chia sẻ, nhu cầu chụp ảnh luôn hiện hữu trong con người của anh. Gần 30 năm qua, việc lưu trữ tư liệu bằng hình ảnh đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của anh.

Đến với nhiếp ảnh như một thú vui thuần túy, nhưng Hải Thanh lại dành nhiều năm làm phóng viên ảnh, trước khi tập trung vào các dự án tư liệu cá nhân. Phần lớn các bức ảnh trong sự nghiệp của anh khám phá những lát cắt muôn hình vạn trạng của cuộc sống, anh sử dụng máy ảnh như một phương tiện để nhật ký hoá sự thân mật của những con người xa lạ.

Đặc biệt, chín năm trước, Hải Thanh lập gia đình và đến định cư tại một thành phố xa lạ. Cảm giác bị dịch chuyển đã thôi thúc anh suy ngẫm về khái niệm “nhà” theo cách riêng. Loạt ảnh trưng bày trong triển lãm như những trang nhật ký phản chiếu hành trình làm cha và tìm kiếm nơi chốn thuộc về của cá nhân anh.

Ba triển lãm Robert DoisneauTái sinh và Nơi chốn thuộc về diễn ra đến hết ngày 25.6.2023 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).

Mộc Trà

Nguồn : NGƯỜI ĐÔ THỊ