Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh

8 tác giả Việt Nam và 8 tác giả nước ngoài cùng quy tụ trong triển lãm “Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh”. Bằng phương thức biểu đạt của ngôn ngữ nhiếp ảnh, họ tái hiện không gian văn hóa thủ đô với nhiều khám phá mới mẻ mà gần gũi.

Triển lãm “Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh” tại Trung tâm nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm) quy tụ 16 gương mặt nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia như 16 góc nhìn về Hà Nội – Ảnh: MAI THƯƠNG

Là triển lãm mở đầu cho chuỗi sự kiện Photo’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp.

Đây là hoạt động quy mô lớn trong lĩnh vực nhiếp ảnh, mở ra các hoạt động phối hợp trong các ngành công nghiệp văn hóa của thủ đô, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.

Tại triển lãm, 16 gương mặt nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế được quy tụ để thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh thể hiện các góc nhìn khác nhau về Hà Nội như một đối tượng nghệ thuật. Không chỉ dừng lại ở sự khác biệt trong góc nhìn, các tác phẩm được triển lãm cũng được thực hiện bằng những phong cách khác nhau trong phương tiện sử dụng.

Triển lãm còn là không gian gặp gỡ của những người yêu thích nhiếp ảnh – Ảnh: MAI THƯƠNG

Theo đó, có người tiếp cận bằng những kỹ thuật nhiếp ảnh truyền thống trong buồng tối với phim đen trắng âm bản như nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, Nguyễn Duy Kiên hay Nguyễn Hữu Bảo.

Có nghệ sĩ sử dụng máy ảnh nhựa lomo “rẻ tiền” như nhiếp ảnh gia Maika, hay máy phim màu như Nguyễn Thế Sơn, máy phim lớn như Peter Steinhauer hay cả máy ảnh số từ loại nhỏ như điện thoại như nhiếp ảnh gia Lê Xuân Phong,…

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết anh chỉ xem các thiết bị như một loại công cụ. Thay vào đó, anh đánh giá cao tư duy nghệ thuật của người chụp thông qua ngôn ngữ nghệ thuật khi họ sử dụng nhiếp ảnh.

Anh cho biết điểm chung giữa các tác phẩm này là tình yêu đối với Hà Nội, nhưng Hà Nội trong mỗi bức ảnh lại chứa đựng một câu chuyện, một góc nhìn, một ý niệm riêng biệt.

Các tác phẩm là những sáng tác trải dài trong suốt nhiều năm, ở nhiều thời điểm khác nhau về Hà Nội, có bối cảnh Hà Nội trước năm 1954, Hà Nội thời “bao cấp”, Hà Nội thời “mở cửa”, Hà Nội thời hội nhập toàn cầu…

Dù tất cả đều nói về Hà Nội nhưng Hà Nội lại không trùng lặp bởi mỗi nghệ sĩ có những suy tư riêng biệt. Chính vì vậy, khán giả khi đến với triển lãm có thể sẽ tìm thấy một Hà Nội lạ mà quen, thân thuộc mà bỡ ngỡ…

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ
Khách tham quan tại triển lãm – Ảnh: MAI THƯƠNG

Không chỉ dừng lại ở triển lãm “Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh”, trong khuôn khổ Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế còn có hơn 20 triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm cùng hơn 20 sự kiện bên lề được tổ chức.

Theo đó, sự kiện có sự góp mặt của hơn 100 nhiếp ảnh gia, giám tuyển, diễn giả và chuyên gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh của Việt Nam và quốc tế.

Được biết, các triển lãm sẽ tổ chức tại 7 quận trên địa bàn thành phố, mở cửa miễn phí để công chúng thưởng lãm, khám phá sự phong phú của nhiếp ảnh đương đại cũng như các tác phẩm mang tính biểu tượng của nhiếp ảnh di sản.

Song song với đó, các buổi tọa đàm và thảo luận sẽ được tổ chức bên lề triển lãm theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, bàn luận về hiện trạng và bối cảnh của ngành nhiếp ảnh ở Việt Nam.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh - Ảnh 6.
Chủ đề Nội ngoại thất – Ảnh: MAI THƯƠNG
Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh - Ảnh 7.
Nhiếp ảnh gia Maika Elan (phải) cùng những tác phẩm được chụp bằng ảnh nhựa lomo – Ảnh: BTC
Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh - Ảnh 8.
Những tấm ảnh panorama được chụp hoàn toàn bằng máy phim khiến nhiều người tò mò về kỹ thuật – Ảnh: BTC
Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh - Ảnh 9.
Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 3-6 – Ảnh: MAI THƯƠNG

MAI THƯƠNG

Nguồn : TUỔI TRẺ