Những cột mốc đáng nhớ trong hành trình lan tỏa nghệ thuật của Photo Hanoi’23

Với những con số ấn tượng: khoảng 170.000 lượt khách tham quan triển lãm, 10.000 người tham dự các buổi tọa đàm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, trên 200 bài báo và phóng sự, thu hút trên 5 triệu lượt xem trên mạng xã hội,… Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế đã trở thành một điểm sáng, mở ra những cánh cửa cơ hội cho nghệ thuật nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế diễn ra từ ngày 21.4 đến 3.6.2023, với đa dạng các hoạt động, chương trình đặc biệt dành riêng cho trưng bày và thực hành nghệ thuật nhiếp ảnh, như: triển lãm, tọa đàm, workshop, chiếu phim, art tour, được trải nghiệm thực hành nhiếp ảnh thể nghiệm hay nhiếp ảnh nghệ thuật… Sự kiện đã trở thành điểm hẹn của các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và cả những nhà giáo dục trong lĩnh vực nghệ thuật trong nước và quốc tế tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích các cuộc đối thoại đa chiều về vai trò của ngôn ngữ hình ảnh trong bối cảnh đương đại.

Những bữa tiệc nhiếp ảnh đa sắc

Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh là triển lãm mở màn đầy ấn tượng, đã làm toát lên cái hối hả của một đô thị ẩn hiện dưới những xung đột thường trực, xen lẫn những dung hòa hiếm có, luôn tạo sức hấp dẫn mãnh liệt trong con mắt của người làm nghệ thuật. Đồng thời, giúp khán giả tìm thấy một Hà Nội thân thuộc, hoặc tìm thấy một Hà Nội rất khác trong những liên tưởng miên man.

Một số tác phẩm tại triển lãm Hà Nội – Một thành phố trong nhiếp ảnh. Ảnh: BTC

Cũng chung niềm cảm hứng về vẻ đẹp của Hà Nội, triển lãm Hà Nội 1985-2015: Những năm tháng bị lãng quên đã trưng bày 18 bức ảnh đường phố được William Crawford ghi chép lại những hình ảnh cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam và những thay đổi trong ba thập kỷ. Giúp người xem thấy được quá trình đất nước thay đổi từ một nền kinh tế bao cấp với hàng hóa và dịch vụ hạn chế, vươn lên thành một trong những nền kinh tế thành công ở Đông Nam Á.

Với triển lãm Mười năm phơi sáng, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã chọn ra 8 bức nhiếp ảnh phù điêu từ chuỗi tác phẩm Nhà Tây biến hình được anh thực hiện vào năm 2012, và phản hồi lại chúng với tám tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu mới, phản ánh lại hiện trạng và sự thay đổi của các kiến trúc sau mười năm.

Qua mỗi bức ảnh chụp, người ta thấy tác giả đã tạo nên một cấu trúc ba chiều đa tầng, mang đến sự sống động cho ngôi nhà với đủ loại phương tiện giao thông đan xen phía trước, từ những chiếc xích lô kiểu cũ cho đến xe đạp, xe máy hay ô tô sang trọng, biểu tượng cho sự biến chuyển chóng mặt của thành phố.

Không gian triển lãm Mười năm phơi sáng tại Art Vietnam Salon Gallery. Ảnh: BTC

Nếu triển lãm “50 năm – 50 bức ảnh” giới thiệu đến công chúng một góc nhìn mới lạ về Argentina, khác xa những hình ảnh khuôn mẫu quen thuộc, nhưng không kém phần ấn tượng của nghệ sĩ Diego Ortiz Mugica thì Những mẩu chuyện nhỏ ở Nhật Bản của nghệ sĩ Hải Thanh lại cho thấy lối sống, cảnh quan đô thị, những con người mang đầy hình tượng của tính trật tự và logic, sự hòa hợp lẫn đối nghịch trong những khung cảnh đời thường của đất nước mặt trời mọc.

Nhằm tôn vinh các phong trào văn hóa và xu hướng thời trang nổi bật đang diễn ra trên khắp thế giới, triển lãm Nhiếp ảnh thời trang đã làm nổi bật sự đa dạng, độc đáo và chiều sâu của một loại hình nhiếp ảnh đặc thù và có tính lan tỏa mạnh mẽ. Để người xem có thể nhận thấy rằng, các xu hướng thời trang cũng phản ánh sự chuyển biến của lịch sử và xã hội. Chúng truyền tải đi thông điệp về văn hoá và giá trị vật chất – tinh thần của các thế hệ trong những cộng đồng, quốc gia khác nhau.

Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Nhiếp ảnh thời trang. Ảnh: BTC

Với 24 bức ảnh đặc sắc được trưng bày trước cổng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, triển lãm Đường tới Olympics 2024 đã tôn vinh tinh thần Olympic và các môn thi đấu tại sự kiện thể thao lớn nhất thế giới thông qua góc nhìn độc đáo, sáng tạo và mới mẻ của các phóng viên AFP giàu kinh nghiệm.

Khi đến với MAY – triển lãm tôn vinh nhiếp ảnh nghệ thuật và thủ công, từng bộ tác phẩm được trưng bày tại đây đã đưa người xem đi qua những cung bậc khác nhau, vừa có sự đối lập, vừa có sự hài hòa của thiên nhiên.

Không gian triển lãm Đi tìm thời gian đã mất thời gian đi tìm. Ảnh: BTC

Trong khi đó, triển lãm Đi tìm thời gian đã mất thời gian đi tìm lại là cuộc đối thoại của 10 nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước thuộc các thế hệ khác nhau đưa ra góc nhìn riêng về thời gian thông qua các dự án nhiếp ảnh.

Nhưng tất cả đều cho thấy, những bức ảnh không chỉ là ký ức, trải nghiệm, giấc mơ, hay một thực tại khác, chúng còn là những “khoảng thời gian” người chụp ảnh đã bị tước đoạt, khi họ đang mải mê tìm kiếm và ghi lại khoảnh khắc bằng nhiếp ảnh.

Những đối thoại về nhiếp ảnh đương đại

Bên cạnh việc đem đến những triển lãm nhiếp ảnh đầy màu sắc, Photo Hanoi’23 còn diễn ra nhiều tọa đàm chuyên môn. Đây là dịp để suy ngẫm, bàn luận về các vấn đề xoay quanh nhiếp ảnh đương đại, hiện trạng và bối cảnh của ngành nhiếp ảnh ở Việt Nam.

Qua tọa đàm Nhiếp ảnh: Các festival quốc tế và cơ hội thị trường, các nhà tổ chức liên hoan nhiếp ảnh lớn trong khu vực và quốc tế cũng như các nhiếp ảnh gia có ảnh hưởng đã chia sẻ và thảo luận về tác động của các liên hoan nhiếp ảnh đối với thị trường nghệ thuật, vai trò của chúng trong sự phát triển nghề nghiệp của các nhiếp ảnh gia và cách những sự kiện đó tái cấu trúc bối cảnh nghệ thuật địa phương, hỗ trợ và tăng sức hấp dẫn của hệ sinh thái sáng tạo.

Cũng bàn về nhiếp ảnh đương đại, tọa đàm Nhiếp ảnh nghệ thuật trong giáo dục bậc cao tại Hội trường Ngụy Như Kontum, Hà Nội các diễn giả đã chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến công tác đào tạo các nhiếp ảnh gia cũng như gợi mở các đường hướng phát triển trong việc giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam. Từ đó nhằm phân tích và thảo luận về lịch sử, hiện trạng, và các giải pháp tương lai cho đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam.

Tọa đàm Nhiếp ảnh nghệ thuật trong giáo dục bậc cao.

Trong tọa đàm Những tiếng nói mới của nhiếp ảnh Việt Nam, người tham gia đã có cơ hội lắng nghe những góc nhìn về sự đổi mới tự thân, về nhiếp ảnh Việt Nam biến đổi và dịch chuyển ở trong và ngoài biên giới quốc gia như thế nào qua các thế hệ, và qua đó, hiểu thêm rằng những câu chuyện được kể bằng nhiếp ảnh thay đổi và trở nên phức tạp, đa dạng như thế nào.

Với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia Việt Nam kỳ cựu, tọa đàm Kỹ thuật nhiếp ảnh và ứng dụng trong đời sống đã mang đến một không gian trao đổi thân mật về những kiến thức và kỹ năng chụp ảnh cần thiết cho một tác phẩm đẹp mắt và truyền cảm, từ đó mang nhiếp ảnh và các ứng dụng đến gần hơn với công chúng.

Bên cạnh đó, Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế cũng diễn ra nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng và đặc biệt tạo được tiếng vang lớn đối với cộng đồng đam mê nhiếp ảnh tại Thủ đô như: Chiếu phim Robert Doisneau: Điều kỳ diệu đằng sau ống kính, khóa học in Cyanotype dưới sự hướng dẫn bởi nghệ sỹ thị giác Phạm Tuấn Ngọc, ra mắt sách ảnh Khi con nhớ má,…

Mở ra cơ hội phát triển cho nhiếp ảnh Việt Nam

Các triển lãm, sự kiện nằm trong khuôn khổ Photo Hanoi’23 được diễn ra tại các không gian văn hóa, sáng tạo của thành phố Hà Nội như: Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản,… đã góp phần đáng kể vào việc phát huy hiệu quả tiềm năng và thế mạnh văn hoá của Thủ đô.

Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của thành phố Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các sáng kiến, dự án văn hoá trong khuôn khổ Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO thông qua tổ chức các sự kiện gắn với đa dạng hoá các loại hình sáng tạo nghệ thuật; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập văn hoá giữa Thủ đô Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới.

Lễ bế mạc Photo Hanoi’23 – Biennale Nhiếp ảnh Quốc tế. Ảnh: BTC

Đối với các cá nhân thực hành nhiếp ảnh, đây cũng là cơ hội để hiểu hơn về các nền văn hóa khác biệt, giúp nhiếp ảnh Việt Nam trưởng thành hơn thông qua các ví dụ điển hình về những thành tựu của nhiếp ảnh thế giới, qua việc thể hiện nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật cũng như qua cách thức quảng bá và trưng bày.

Đồng thời, thúc đẩy sáng tạo và mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các tài năng trẻ, bằng việc giúp họ được học hỏi các kỹ thuật mới, cũng như tạo điều kiện để các nghệ sĩ nhiếp ảnh tương lai học cách xây dựng sự nghiệp của chính mình.

Với công chúng, đây là cơ hội cho đông đảo người dân và du khách làm quen với tác phẩm của các nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế, là cơ hội gặp gỡ các nhiếp ảnh gia và giám tuyển triển lãm để thưởng lãm tác phẩm nhiếp ảnh qua một lăng kính khác.

Sự thành công bước đầu của Photo Hanoi’23 hứa hẹn sự quay trở lại của sự kiện này vào năm 2025 với nhiều sáng kiến và ý tưởng mới mẻ hơn trước. Và hơn hết, khẳng định vai trò là một điểm sáng góp phần mở ra cơ hội phát triển cho nghệ thuật nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Tùng Lâm

Nguồn : NGƯỜI ĐÔ THỊ